Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

Lời của Đức Thánh Cha Benedict về thuyết tiến hóa

Lời của Đức Thánh Cha Benedict về thuyết tiến hóa

Đề tài về thuyết tiến hoá từng được trình bày bằng nhiều cách trong tác phẩm của thần học gia Joseph Ratzinger trước khi người lên kế vị thánh Phê-rô. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta gặp lại đề tài này ngay trong bài giảng đầu tiên của người sau khi được bầu làm người đứng đầu Giáo hội. Đề tài này gây được rất nhiều chú ý: “Chúng ta không phải là sản phẩm ngẫu nhiên và thiếu ý nghĩa tiến hoá. Mỗi người chúng ta là hoa trái của tư tưởng của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta đều được mong muốn, được yêu thương và tất yếu” (14).

Không dừng lại ở tầm rộng hay tính xác thực của tính phổ quát của thuyết tiến hoá đối với toàn thể nhân loại, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng sự hiện hữu của mỗi người không phải là hoa trái của sự ngẫu nhiên, nhưng là một hồng ân của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta, dù nam dù nữ, đều được Thiên Chúa yêu thương ngay từ khi chúng ta mới đầu thai trong lòng mẹ. Và người còn nói thêm trong bài giảng ngày 15 tháng 8 năm 2005 rằng, ngược lại khi con người chỉ xuất hiện như “sản phẩm của một sự tiến hoá mù quáng, […] con người có thể bị khai thác và bị lạm dụng. Chính kinh nghiệm của thời đại chúng ta khẳng định điều đó” (15). Đức Thánh Cha còn trở lại chủ đề này nhiều lần và luôn lưu tâm không phải là con người theo tổng thể nhưng là con người trong tính đặc thù của mình. Do đó, vấn đề chính yếu không phải là để xem tiến hoá có phù hợp với đức tin Ki-tô giáo hay không, nhưng đúng hơn là để loại bỏ sự lựa chọn một hiện hữu phi lý tính và điên rồ vốn là sản phẩm của sự ngẫu nhiên.

Điểm này được làm rõ một cách đặc biệt nhân cuộc gặp gỡ với giới trẻ ngày 6 tháng 4 năm 2006. Trong cuộc gặp gỡ này khi trả lời một trong số những câu hỏi, Đức Thánh Cha đã trở lại sự ngẫu nhiên triệt để: “Hoặc Thiên Chúa hiện hữu, hoặc Người không hiện hữu. Không thể tồn tại cả hai lựa chọn. Hoặc người ta nhìn nhận ưu thế của lý trí, của Trí Tuệ sáng tạo là cội nguồn và là nguyên lý của tất cả mọi loài mọi vật – ưu thế của lý trí cũng là ưu thế của sự tự do – hoặc người ta ủng hộ ưu thế của phi lý. Theo đó tất cả những gì vận hành trên mặt đất này hay trong cuộc sống của chúng ta chỉ do ngẫu nhiên, ngoài lề, một sản phẩm phi lý tính – lý trí cũng có thể là một sản phẩm của sự phi lý tính. Chúng ta không thể phân tích đến cùng để chứng tỏ chương trình này hay chương trình kia, nhưng lựa chọn lớn của Ki-tô giáo là lựa chọn vì lý trí và vì quyền ưu tiên của lý trí. Theo tôi, đó là một lựa chọn tuyệt vời vì lựa chọn này cho chúng ta thấy đằng sau nó là một trí tuệ cao cả, và chúng ta tự hào vì trí tuệ cao cả ấy” (16).

Trong bài giảng ngày 29 tháng 9 năm 2007, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI còn đi xa hơn nữa khi khẳng định rằng “ai gạt Thiên Chúa ra ngoài sẽ không coi trọng con người mà lại tước mất phẩm giá của con người. Vì vậy, con người trở thành một sản phẩm không thành công của tiến hoá” (17). Nói khác đi, phẩm giá con người không thể tách rời khỏi Thiên Chúa và nếu không có chương trình của Thiên Chúa, phẩm giá con người sẽ rơi vào cái mà vào năm 2004, trong một bài diễn văn đọc tại Saint-Étienne ở Caen (Pháp), Đức Hồng y Joseph Ratzinger từng gọi là “bệnh lý học của lý trí”, đề tài này được Đức Thánh Cha nhắc lại trong bài diễn văn tiếng tăm ở Ratisbonne (18).

Ở buổi thảo luận được tổ chức tại CastelgADNolfo vào năm 2006, Đức Thánh Cha lấy lại đề tài này và khai triển trong những cuộc tranh luận với nhiều tham dự viên. Hoàn toàn không thừa nhận học thuyết tạo dựng “mà theo nguyên tắc vốn loại bỏ khoa học”, người chỉ trích mạnh mẽ “một thuyết tiến hoá che dấu những lỗ hỏng của riêng mình” (19). Khoa học phải chấp nhận những giới hạn của mình, giống như đức tin cũng phải tự vấn trước những khám phá của khoa học. Về thuyết tạo dựng và về một vài cách thức tách rời một cách triệt để đức tin ra khỏi khoa học, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trả lời rằng “Thiên Chúa quá lớn để chúng ta có thể đưa vào những câu hỏi còn bỏ ngỏ của thuyết tiến hoá”. Nói khác đi, chẳng có nghĩa gì khi giản lược lãnh vực tôn giáo vào những gì nằm ngoài khoa học, theo cách thức thay thế khiến người ta có thể cho rằng sự phi lý tính là lãnh địa duy nhất của tôn giáo.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI không hoàn toàn chấp nhận thuyết tiến hoá vì bốn lý do. Trước tiên, người cho rằng không thể kiểm chứng những khẳng định của học thuyết này do thời gian tiến hoá quá lâu dài. Hơn nữa, học thuyết này không phải là một lý thuyết đầy đủ và được kiểm chứng toàn bộ, cho dù bề ngoài của nó có vẻ xác thực. Ngoài ra, vấn đề tiến hoá tiếp diễn đặt ra một vấn nạn mà Đức Thánh Cha cho rằng rất có thể tiến hoá bắt nguồn từ những bước nhảy vọt. Cuối cùng, chính người nhấn mạnh rằng “những cá thể đột biến tích cực [được chọn lọc trong quá trình tiến hoá] quá ít ỏi”, điều này gợi ý rằng “hành lang tiến hoá” vì nó mà các loài bị tiêu diệt (một thuật ngữ mà Đức Thánh Cha mượn của nhà sinh học Peter Schuster) (20) không phải là giải pháp thay thế trong vô số những giải pháp khác. Nói khác đi, những thế giới khác biệt có thể không thuần tuý là may rủi và với số lượng vô hạn, như Kimoora hay Dawkins đã khẳng định, nhưng chúng tuân thủ những trục ưu tiên, luận đề này do Simon Conway Morris khai triển (21).

Vả lại, câu hỏi để biết xem ai bắt tay vào việc vẫn nằm ngoài tầm của các ngành khoa học nghiên cứu về tiến hoá: “Không chỉ các bản văn phổ thông mà ngay cả những bản văn chuyên ngành về tiến hoá thường nói về tự nhiên hay tiến hoá đã thực hiện điều này hay điều nọ. Nhưng ai mới thực sự là tự nhiên hay tiến hoá? Chẳng có ai như vậy cả! Nếu có ai nói rằng tự nhiên làm điều này hay điều kia, kẻ ấy đang cố thu gom một chuỗi những sự kiện vào một chủ thể vốn không tồn tại như chính nó” (tr. 151).

Nói khác đi, thông qua việc sử dụng những từ ngữ “tự nhiên” hay “tiến hoá”, thật ra một số nhà khoa học đã nhân cách hoá cái mà Kant chỉ định như một đơn vị tổng hợp đơn giản của các hiện tượng. Thế nhưng, những kết quả đạt được bởi lý trí khoa học không được đưa đến việc tách rời những chiều kích khác của lý trí vốn có vị trí của chúng trong đời sống chúng ta. Và khi loại bỏ thuyết duy tín (và một cách minh nhiên thuyết tạo dựng), Đức Thánh Cha xác định rõ “vẫn còn những câu hỏi mà lý trí phải lưu ý đến và những câu hỏi này không thể phó mặc cho những tình cảm tôn giáo mà thôi” (tr.152).

Định hướng kết luận của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI rõ ràng rất mạnh mẽ. Định hướng này được thể hiện qua hai giai đoạn. Trước tiên, nó gợi ý rằng vật chất chứa đựng “một lý tính nào đó” làm cho nó trở nên sáng tỏ dễ hiểu và siêu việt hoá “cái phi lý tính, cái hỗn mang và sự phá huỷ” mà chúng ta có thể quan sát suốt dòng tiến hoá. Thế nhưng, lý trí này chiếm một vị trí quan trọng đối với con người: “Tôi nhận thấy rằng tiến trình với tư cách là toàn thể có lý tính. Mặc cho những rời rạc và những ngẫu nhiên của tiến trình này thông qua dải hành lang hẹp trong sự chọn lọc (Auswahl) của những đột biến tích cực và trong việc khai thác một chút tính xác thực, tiến trình như chính nó có cái gì đó thuộc về lý tính”. Và người nói thêm: “Cái lý tính kép này được thể hiện một lần nữa bằng cách thông thương với lý trí con người, từ đó dẫn đến một câu hỏi vượt khỏi khoa học nhưng lại là một câu hỏi của lý trí: lý tính này phát xuất từ đâu?” (tr. 152).

Chính ở đây khoa học được mời gọi tạm hoãn suy đoán của mình. Cũng ở đây mà chúng ta có thể thoáng thấy lý trí sáng tạo của Thiên Chúa. Vì vậy, sự may rủi và cái ngẫu nhiên bắt tay vào việc trong tiến hoá của các sinh vật có thể được phục hồi trong một tổng thể có trật tự và có lý tính rộng lớn mà chúng ta có thể chạm tới một phần nào của cái tổng thể ấy.

Vincent Aucante, Giám đốc Collège des Bernardins (Paris)
(Nguồn La documentation catholique, số 2417, ngày 01/02/2009)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét