Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

Lm Phạm Đức Hậu Bài 18: Kitô Hữu và Công Đồng Vatican II

Bài 18: KITÔ HỮU VÀ CÔNG ĐỒNG VATICAN II

Do tác động của những dấu chỉ của thời đại đang xảy ra và việc nhớ lại lời Chúa và lời Đức Mẹ, khi hiện ra tại La Salette và Fatima, đã cảnh báo về một sự phản bội đức tin – apostasy – lớn lao sẽ xảy ra trong Giáo Hội, mà loạt bài về Công Đồng Vatican II với tựa đề “Cuộc Cách Mạng Mang Tên Vatican II” đã được thực hiện. Loạt bài này nhằm giúp người đọc nhận ra nhưng thay đổi trong giáo huấn và thực hành của Vatican II khủng khiếp như thế nào. Những thay đổi đó khủng khiếp đến mức người ta có thể nói, Đạo Công Giáo trước Vatican II và Đạo Công Giáo sau Vatican II là hai tôn giáo khác nhau! Một trong những vấn nạn đã được đưa ra khi kết thúc loạt bài về cuộc cách mạng mang tên Vatican II là: Giáo Huấn và thực hành của Vatican II có phải thực sự là hoa trái của Chúa Thánh Thần hay không, hay đó là dấu hiệu của một apostasy mà Lời Chúa và Đức Mẹ đã cảnh báo? 

Đưa ra nghi vấn như vậy, hẳn có người sẽ cho rằng, thật ngông cuồng ngạo mạn! Tuy nhiên, ai nghĩ như vậy chắc sẽ phải thay đổi nếu họ trả lời được câu hỏi này: Người tín hữu có bị bó buộc phải đón nhận giáo huấn của Vatican II không?

Trước khi trả lời câu hỏi trên, người ta cần phải trả lời một câu hỏi khác là: Giáo Huấn của Vatican II có phải là Bất Khả Ngộ không?Nếu giáo huấn của Vatican II là Bất Khả Ngộ, nghĩa là không sai lầm, thì người tín hữu bị bó buộc bởi đức tin và luân lý phải vâng theo. Miễn bàn cãi!

Còn nếu giáo huấn của Vatican II không phải là Bất Khả Ngộ, nghĩa là có thể sai lầm, thì người tín hữu không bị bó buộc phải vâng theo. Đáng tiếc là giả thiết này lại đúng với giáo huấn của Vatican II. Giáo huấn của Vatican II đã thực sự không được đóng dấu bảo vệ bởi “con dấu” Bất Khả Ngộ, ngoại trừ những trích dẫn từ giáo huấn Bất Khả Ngộ của các Công Đồng trước đó. Hậu quả là giáo huấn của Vatican II, về nguyên tắc, là có thể sai lầm và vì thế người tín hữu không bị bó buộc bởi đức tin và luân lý phải vâng theo. Tại sao có thể nói như vậy về giáo huấn của Vatican II?

Theo định nghĩa về ơn Bất Khả Ngộ của Công Đồng Vatican I, một giáo huấn để được nhìn nhận là Bất Khả Ngộ, cần phải hội đủ 2 điều kiện căn bản sau:[1]

1. Phải là một xác quyết của một Giáo Hoàng khi ngài phán dạy từ từ toà – ex cathedra - hay của một Công Đồng liên quan đến đức tin hoặc luân lý. 

2. Phải được công bố cách long trọng (extraordinary). Kiểu công bố long trọng thường được diễn tả kiểu như: Chúng tôi/Hội Thánh Công Giáo vững vàng tin tưởng, tuyên xưng, và truyền dạy rằng (……một điều nào đó liên quan đến đức tin hoặc luân lý…..) và kết thúc bằng vạ tuyệt thông nếu làm trái ngược. 

Theo đó, giáo huấn của Vatican II, mặc dù là những tuyên bố chính thức của Quyền Giáo Huấn, không hề có một chỗ nào hội tụ đủ hai điều kiện nói trên. Nghĩa là, Vatican II đã không định nghĩa một tín điều nào liên quan đến đức tin hoặc luân lý cho mọi người phải tuân giữ, và Vatican II cũng đã không công bố Giáo Huấn cách long trọng. Vì thế, Giáo Huấn của Vatican II không phải là Bất Khả Ngộ, nó có thể sai lầm và hệ quả là người tín hữu không bị bó buộc phải vâng theo. 

Nếu ai đó vẫn không chấp nhận lập luận trên, những lời giải thích sau đây của Đức Phaolô VI sẽ là một bằng chứng xác đáng. Trong bài Giáo Huấn Thứ Tư hàng tuần –General Audience – ngày 12 tháng 1 năm 1966, Đức Phaolô VI đã giải thích như sau: “Những ai tự hỏi đâu là những thẩm quyền và tiêu chuẩn thần học mà Công Đồng muốn đưa ra cho những lời giảng dạy của nó, hãy biết rằng Công Đồng đã tránh không đưa ra những định nghĩa tín lý long trọng bảo đảm bằng ơn bất khả ngộ của Quyền Giáo Huấn….Do tính cách mục vụ mà Công Đồng đã tránh không tuyên bố theo cách thức long trọng những tín điều được ban với dấu của ơn bất khả ngộ; mặc dầu vậy Công Đồng thủ đắc quyền giảng dạy của quyền giáo huấn thông thường tối cao nên hiển nhiên là Quyền Giáo Huấn thông thường đó phải được tất cả các tín hữu thành tâm vàngoan ngoãn đón nhận chiếu theo ý của Công Đồng đối với bản chất và mục đích của từng văn kiện.”[2]

Thêm nữa, Đức Benedictô XVI, khi còn là Hồng Y Bộ Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin cũng đã khẳng định rằng: “Công Đồng Vatican II không được coi là một phần của toàn thể Truyền Thống sống động của Giáo Hội, nhưng là một sự chấm dứt của Truyền Thống, một sự khởi đầu mới từ con số không. Sự thật là công đồng đặc biệt này đã không định nghĩa một tín điều nào cả, và tự xác định ở một mức độ khiêm tốn nhất, chỉ đơn thuần là một công đồng mục vụ.”[3]

Những lời của hai vị Giáo Hoàng trên đây là bằng chứng thuyết phục nhất để khẳng định rằng, những giáo huấn của Vatican II, do bản chất mục vụ của chúng, không phải là những giáo huấn bất khả ngộ. 

Kết Luận: 

Không phải tất cả những gì các Giáo Hoàng hay Công Đồng truyền dạy đều là Bất Khả Ngộ. Muốn ơn Bất Khả Ngộ phát sinh hiệu quả, các Giáo Hoàng hoặc Công Đồng phải hành động theo đúng những điều kiện quy định cho sự thành sự của ơn ấy như vừa nói trên. 

Qua những vừa trình bày trên ta thấy, Đức Phaolô VI và Công Đồng Vatican II đã tránh không sử dụng cách thức cần phải theo để làm phát sinh ơn Bất Khả Ngộ cho những giáo huấn của Vatican II. Do vậy, những lời dạy của Vatican II thực sự không được hưởng sự che chở của ơn Bất Khả Ngộ và vì thế chúng có thể sai lầm. Vì những giáo huấn của Vatican II có thể sai lầm, nên người tín hữu không bị bó buộc bởi đức tin và luân lý phải vâng theo. 

Những giáo huấn của Vatican II, cho dù được coi là những tuyên bố chính thức của Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội, thực chất chỉ là những quan điểm mục vụ được trình bày cho Giáo Hội và thế giới mà thôi. Vì thế mà những lời dạy của Vatican II không đủ uy quyền để bó buộc lương tâm mọi tín hữu. Do đó, Đức Phaolô VI cũng chỉ ước mong rằng, những lời dạy của Vatican sẽ được các tín hữu “thành tâm và ngoan ngoãn” đón nhận. 

Từ đó dẫn đến hậu quả trong thực hành là, nếu có ai đó không “thành tâm và ngoan ngoãn” đón nhận, họ chỉ có thể bị kết tội nào là bất phục tùng, nào là làm tổn hại đến sự hiệp nhất mà thôi, chứ không thấy họ bị kết tội làm tổn hại đến ơn cứu độ. Bởi vì tự bản chất, giáo huấn của Vatican II, như vừa nói, không có uy quyền để bó buộc lương tâm mọi tín hữu, nên tín hữu có quyền chấp nhận hay không tuỳ ý. Có lẽ vì để giữ cái vẻ “hợp nhất” mà hầu hết mọi người đều vồ vập đón nhận giáo huấn của Vatican II. Cần biết rằng, tổn hại cho sự hiệp nhất phải xếp sau tổn hại cho ơn cứu độ! Chứ hiệp nhất để mà cùng nhau đi xa và đi ngược lại với đức tin truyền thống thì thật là nguy hiểm! 

Cần nhớ rằng, năm 1460, Đức Pio II đã ra Sắc Lệnh Exerabilis, kết án nghiêm khắc kết án những ai có tư tưởng nổi loạn dám mưu toan triệu tập công đồng để thay đổi bất cứ một điều gì liên quan đến tín lý của Giáo Hội[4]. Có lẽ vì trung thành với giáo lý truyền thống của Giáo Hội và nhớ lời răn dạy này của Đức Pio II mà Cha Gregory Hesse đã đưa ra nhận định rằng: xét tổng thể cuộc cách mạng Vatican II chỉ có một ý hướng là phá huỷ Đức Tin Truyền Thống của Giáo Hội mà thôi. Vatican II là một thảm hoạ cho toàn thể Kitô Giáo! 

Ngày hôm nay, với những ai tin vào lời cảnh báo của Lời Chúa và lời Đức Mẹ, khi hiện ra tại La Salette và Fatima, về một apostasy của thời kỳ cuối, thì những Giáo Huấn và thực hành đi ngược với Truyền Thống của Giáo Hội mà Vatican II đã khởi xướng, rất đáng cho người ta phải nghiêm túc cật vấn lương tâm rằng: những giáo huấn và thực hành trái ngược đó thực sự là hoa trái của Chúa Thánh Thần hay chính là những biểu hiện cụ thể của một apostasy của thời kỳ cuối như đã được cảnh báo??? Cật vấn lương tâm như vậy không có gì đáng gọi là ngông cuồng ngạo mạn nhưng là một bổn phận cần thiết với những ai còn thiết tha với chuyện chân thật và giả dối, đúng đắn và sai lầm…trong đời sống đức tin; là bổn phận của những ai muốn sống và hướng dẫn người khác trung thành với Đức Tin Truyền Thống của Giáo Hội.

Phải chăng cuộc cách mạng mang tên Vatican II là khởi đầu cho một cuộc bội giáo lớn lao – great apostasy - của thời kỳ cuối, và vẫn đang tiếp tục mạnh mẽ trong thời điểm hiện nay? 

Lạy Thánh Thần Chân Lý, xin soi sáng chúng con!
-------------------------------------------------------------

[1] Denzinger, 3073-3074. Có thể đọc lại bài 6 – phần các thuật ngữ thần học.
[2] Nguồn: http://w2.vatican.va/content/paul-vi/it/audiences/1966/documents/hf_p-vi_aud_19660112.html
[3] Theo Báo El Mercurio, Santiago, Chile, ngày 17/7/1988.
[4] Denzinger, 1375.
Lm: Phạm Đức Hậu

1 nhận xét:

  1. Công đồng Vatican là công đồng Vatican. Dứt khoát là vậy. Sao lại còn thêm số hai ở đằng sau chữ Vatican nữa? Sao không gọi là Tòa Thánh Vatican II luôn một thể? Liệu có phải đây là cách tốt nhất để ém nhẹm hết mọi hoài nghi không? Câu trả lời là không, bởi vì không thể nào như vậy được. Nếu gọi là Tòa Thánh Vatican II thì lộ liễu quá. Nhưng nếu cứ để y nguyên Tòa Thánh Vatican thì cũng không xong, bởi vì thiên hạ nhìn vào sẽ không tìm thấy sự tương đồng giữa một đằng là Toà Thánh Vatican và đằng kia là Công Đồng Vatican II. Nếu vậy thì không còn thống nhất nữa, không còn hài hòa nữa. Làm vậy coi sao được khi đem râu ông này cắm càm bà nọ. Như vậy cũng không ổn. Quả là tiến thoái lưỡng nan. Thôi thì đành chọn giải pháp giữ nguyên Tòa Thánh Vatican như một trường hợp bất đắc dĩ vậy. Hy vọng những người phát hiện sự việc tréo cẳng ngỗng này chỉ là phần thiểu số thôi. Chao ôi! Đúng là một trò xảo trá. Cùng là một Tòa Thánh Vatican, nhưng lại có hai tín lý. Thế đấy, công đồng Vatican II là thế đấy. Giấu đầu lòi đuôi là thế đấy. Muốn giữ kín chuyện gì đó, nhưng lại vô tình để lộ một phần cho người khác đoán biết. Thế thái nhân tình là thế đấy. Lòng người và thói đời là thế đấy. Bấy lâu nay vẫn thế.
    Thú thật, mình không nhớ rõ cái tên công đồng Vatican II lọt vào lỗ tai mình lần đầu tiên là hồi nào. Chỉ biết rằng có một khoảng thời gian rất lâu, kể từ lần đầu tiên đó cho tới khi mình phát hiện được trang Sứ Điệp Từ Trời sau này. Cách xa Sứ Điệp Từ Trời là vậy, nhưng vào lúc đó mình vẫn thấy hơi nghi nghi về con số quỷ tha ma bắt này, một con số được ghép vào sau chữ Vatican, mà lại là con số hai được đặt nghi vấn như trên. Nghi ngờ là vậy, nhưng thú thật là lúc đó mình không có bất cứ một lý do tại sao lại phải miệt mài tìm cho ra lẽ như bây giờ. Lần đầu tiên khi nghe đến cái tên Vatican II trong quá khứ xa xăm đó, mình đã thấy bị nhồi sọ ở một mức độ nhất định, bởi vì lúc đó mình chỉ biết cái tên Vatican thôi chứ chưa biết tại sao có con số hai ngay ở đằng sau nó. Tò mò là vậy, nhưng vì độ tuổi và việc đạo hạnh của mình lúc đó, phần vì lúc đó chưa có Sứ Điệp Từ Trời, nên sự tò mò của mình lúc đó chưa đủ mạnh để tận lực điều tra con số hai chết tiệt kia cho tới nơi tới chốn. Vậy là mình tò mò cũng chỉ là tò mò theo phản xạ tự nhiên mà thôi, chứ còn nói ngồi xuống để mà tìm cho ra lẽ thì mình thua. Từ thời đó cho tới trước khi có Sứ Điệp Từ Trời, sự tò mò của mình về con số hai ma quái đó chỉ chợt đến chợt đi mỗi khi cái tên công đồng Vatican II được nhắc đến. Nhưng có lẽ sự tò mò ấy càng lúc càng yếu dần theo thời gian vì cái tên này cứ được hát đi hát lại hoài, như thể đang ru ngủ mình vậy. Mà quả thật là mình đã ngủ vào lúc nào mà chính mình cũng không hề hay biết. Cho đến một hôm, Sứ Điệp Từ Trời như một tiếng chuông báo động đã đánh thức mọi con chiên trên mọi ngã đường, làm mình tỉnh ngủ. Vậy là một lần nữa, sự tò mò của mình đối với con số hai quỷ quyệt lại trở về, nhưng lần này nó trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, vì lịch sử sắp sang trang. Như thể đang chiêm bao, mình chợt bừng tỉnh vì tiếng gà gáy cất lên lúc đêm dần sáng để báo hiệu một ngày mới sắp bắt đầu. Thế là mình rắp tâm điều tra lai lịch của con số hai ngay đằng sau Vatican. Té ra, con số hai đó chính là do Satan đã dùng quỷ kế trong đêm để gắn vào sau lưng Vatican, giống y hệt cái đuôi tòong teng sau lưng của mỗi tên quỷ mà mình vẫn thấy trong hai mẫu ảnh chết lành và chết dữ vậy. Cùng là một Tòa Thánh Vatican, nhưng lại có hai tín lý. Thế đấy, công đồng Vatican II là thế đấy. Giấu đầu lòi đuôi là thế đấy. Muốn giữ kín chuyện gì đó, nhưng lại vô tình để lộ một phần cho người khác đoán biết. Thế thái nhân tình là thế đấy. Lòng người và thói đời là thế đấy. Bấy lâu nay vẫn thế.

    Trả lờiXóa