Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015

Nguy to: Mỹ, các nước Baltic chuẩn bị quân lực đối phó Nga

Mỹ, các nước Baltic chuẩn bị quân lực đối phó Nga
Ảnh minh họa
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ về kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế, bà Rose Gottemoeller, sẽ có chuyến thăm Ba Lan, Latvia, Litva và Estonia vào tuần tới, đây được xem là một phần trong chuyến công du châu Âu của bà.

Theo lịch trình, ngày 13.4, bà Gottemoeller sẽ đưa phái đoàn Mỹ đến hội đàm với Nhóm tư vấn hợp tác chiến lược Mỹ – Ba Lan ở Warsaw, đồng thời gặp gỡ người đồng cấp và các quan chức khác của Ba Lan.

Từ ngày 14-17.4, bà Gottemoeller sẽ đến Riga, Vilnius và Tallinn nhằm thảo luận với các quan chức Baltic về vấn đề an ninh khu vực và quốc tế, kiểm soát vũ khí và NATO. Ngày 17.4, bà sẽ đến căn cứ không quân Amari để thăm nhóm đặc nhiệm phòng không Baltic và gặp gỡ các quân nhân Mỹ.

Các nước Baltic ráo riết tăng cường phòng thủ

Trong khi Nga đe dọa dùng vũ khí hạt nhân chống lại Mỹ và các đồng minh nếu NATO đưa thêm quân vào khu vực Baltic, hoặc tìm cách đưa Crimea về với Ukraine, thì các nước Đông Âu thân phương tây đang ráo riết chuẩn bị phản ứng với các động thái của Nga.

Ba Lan đang đào tạo bác sĩ, luật gia, thợ mộc, kỹ sư và nhân lực thuộc nhiều ngành nghề khác đề phòng trường hợp Nga có động thái gây hấn. Ba Lan cho biết cuộc huấn luyện quân sự này là để tăng cường lòng yêu nước và tình đoàn kết của nhân dân.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak gần đây đã kêu gọi nam nữ tuổi từ 18-50 chưa qua huấn luyện quân sự đăng ký tham dự khóa đào tạo. Tính đến nay đã có hơn 2.000 người đăng ký. Ba Lan có khoảng 38 triệu dân, với 100.000 lính chuyên nghiệp và 20.000 lính dự bị.

Hiện Lực lượng biên phòng Ba Lan đang lên kế hoạch xây dựng 6 tháp canh cao 50m vào tháng 6 để quan sát đường biên giới kéo dài 200km giáp Kaliningrad của Nga. Kaliningrad nằm gần biển Baltic, giữa Ba Lan và Litva. Tổng chi phí xây dựng 6 tháp canh này lên đến hơn 3,7 triệu euro và 75% con số này do EU tài trợ.

Litva cũng đang khôi phục lại huấn luyện nghĩa vụ quân sự, dạy cho công dân cách bảo vệ lãnh thổ trong trường hợp Nga có ý định tiến xa hơn vào châu Âu.

Chi tiêu quân sự của Litva cũng sẽ tăng từ 0,89% GDP năm 2014 lên 1,11%, tương đương 425 triệu euro năm 2015.

Trong khi đó, Latvia đang lên kế hoạch thuê hơn 250 lính biên phòng trong giai đoạn 5 năm, tiêu tốn khoảng 12 triệu euro. Hiện tại, Latvia đã có tổng cộng 2.400 lính biên phòng. Ngoài ra, chính phủ nước này cũng sẽ tổ chức đào tạo quân sự cho sinh viên các trường đại học trong năm tới.

Theo các quan chức Latvia, chính phủ dự định cải thiện công nghệ sinh trắc hộ chiếu, nâng cấp công nghệ thông tin cũng như tăng cường các hoạt động giám sát. Một trong những động thái tăng cường an ninh dễ thấy nhất của Latvia là tháng 10.2014, nước này đã mua xe tải nặng, xe địa hình bọc thép, thiết bị chống xe tăng từ Na Uy.

Về khoản chi tiêu quân sự, đất nước 2 triệu dân này dự định nghe theo đề xuất của NATO, tăng ngân sách quốc phòng từ 1% GDP năm 2015 lên 2% năm 2020.

Estonia cũng không khoanh tay đứng nhìn, từ lúc cuộc xung đột Nga- Ukraine nổ ra, Estonia đã bắt đầu tăng cường lực lượng dự bị của mình lên 15.000 người. Đất nước 1,3 triệu dân hiện có 3.000 lính chuyên nghiệp.

Ngày 9.3, Mỹ đã chuyển hơn 120 thiết bị quân sự hạng nặng gồm xe tăng M1A2 Abrams, xe bọc thép M2A3 Bradley, Scout Humvees và các trang thiết bị hỗ trợ đến cảng Riga, thủ đô Latvia nhằm hỗ trợ nước này trước các phản ứng của Nga.

Theo Tổng thư ký NATO, máy bay quân sự của Nga bay gần biên giới các nước khu vực Baltic đã bị chặn hơn 400 lần năm 2014.

Đầu tháng 3, NATO cũng đã thực hiện các cuộc tập trận quân sự ở Latvia bao gồm đào tạo quân lực tại chỗ, hỗ trợ hỏa lực gián tiếp, huấn luyện chiến thuật cho quân đội Latvia.

Hành động của Nga

Một tháng trước, tổng thống Litva Dalia Grybauskait cho biết Nga đã đưa tên lửa hạt nhân Iskander đến Kaliningrad, với tầm bắn đến tận Berlin (Đức).

Từ khi sáp nhập Crimea vào Nga hồi tháng 3.2014, Nga đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự dọc biên giới Nga và các nước Baltic.

Tướng Adrian Bradshaw, phó chỉ huy lực lượng NATO ở châu Âu cho rằng những động thái này chứng minh Nga sẵn sàng tràn vào các nước Baltic.

Tháng 5.2014, Moscow cũng đã đình chỉ thỏa thuận 2001 với Vilnius. Thỏa thuận này sẽ cho phép Litva giám sát lực lượng Nga ở Kaliningrad, đổi lại Nga có quyền giám sát các căn cứ quân sự ở quốc gia thuộc khu vực Baltic này.
Theo BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét