Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Bí Mật Fatima: Phần 3

 Bí Mật Fatima: Phần 3. 
Sau đây là bản dịch nguyên văn phần thứ 3 của sứ điệp Fatima, do
chính tay chị Lucia viết vào ngày 3-1-1944. 
“J.M.J. (Giêsu Maria Giuse)
Phần thứ ba của bí mật được mặc khải vào ngày 13-07-1917, tại Cova de Iria - Fatima. 

Con viết lại vì đức vâng phục đối với Chúa, lạy Chúa, là Đấng truyền lệnh cho con qua Đức Cha giáo phận Leira và qua Mẹ thánh của Chúa, cũng là Mẹ của con. 



Sau hai phần con đã trình bày, thì ở bên trái của Đức Mẹ và cao hơn một chút, chúng con thấy có một vị Thiên Thần cầm một lưỡi gươm lửa nơi tay trái; gươm lấp lánh và toát ra những ngọn lửa như muốn đốt cháy thế giới; tuy nhiên, những ngọn lửa ấy đã tắt đi khi chạm đến hào quang quanh bàn tay phải của Đức Mẹ hướng xuống thế gian. Vị thiên thần, tay phải chỉ xuống trái đất, kêu lớn tiếng rằng: “Ăn năn! Ăn năn! Ăn năn!”. Rồi chúng con thấy trong một ánh sáng mênh mông là Thiên Chúa (giống như người ta nhìn thấy khi đi ngang qua một tấm gương) một vị giám mục mặc Áo Trắng (mà chúng con có linh cảm đó là Đức Thánh Cha). Nhiều Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ khác đang tiến lên một ngọn núi cheo leo, mà trên đỉnh có một cây Thập Giá lớn làm bằng những thân cây thô, giống như cây điên điển với lớp vỏ bọc ngoài; trước khi đến đấy, Đức Thánh Cha đã băng qua một thành phố lớn, mà một nửa điêu tàn và một nửa đang sụp đổ; bước chân ngài xiêu vẹo, vì đau đớn và u sầu, Ngài cầu nguyện cho các linh hồn của những thi hài Ngài gặp thấy trên đường đi; khi lên đến đỉnh núi, ngài quì dưới chân cây Thập Giá lớn, bấy giờ Ngài đã bị giết, do một nhóm lính bắn nhiều phát bằng một vũ khi nả đạn và tên; rồi lần lượt các vị Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ cùng với giáo dân thuộc nhiều giai cấp và thành phần xã hội khác nhau cũng chết. Dưới hai cánh Thập Giá có hai Thiên Thần, mỗi vị cầm trong tay mình một bình tưới bằng pha lê để hứng lấy máu của các vị Tử Đạo và hai vị dùng máu ấy tưới lên những linh hồn tiến gần đến Thiên Chúa.
CẮT NGHĨA PHẦN BÍ MẬT THỨ 3 FATIMA ( THỂ HIỆN QUA
BỨC TRANH ). Để chính thức cắt nghĩa phần Bí Mật Fatima thứ ba này, trong bản dẫn giải thần học được chia làm ba phần của mình, Đức Hồng Y Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin đã đi từ vấn đề “vị trí thần học của Mạc Khải Chung và các mạc khải riêng”, sang vấn đề “cấu trúc nhân loại học của các mạc khải tư”, tới vấn đề “cố gắng để giải thích ‘bí mật’ Fatima”. Theo Đức Hồng Y Tổng Trưởng, như “việc cứu các linh hồn” là ý chính của phần Bí Mật Fatima thứ nhất và thứ hai thế nào, thì cũng vậy, “ý chính của phần thứ ba này là tiếng kêu ba lần: ‘Hãy Ăn Năn Đền Tội, Ăn Năn Đền Tội, Ăn Năn Đền Tội!’... Đó là đáp ứng xác đáng với giây phút lịch sử mang những đặc điểm hiểm nguy được tóm gọn nơi những hình ảnh sau đó”. Về các hình ảnh biểu tượng trong phần Bí Mật Fatima thứ ba, cũng qua bản dẫn giải thần học của mình, Đức Hồng Y Tổng Trưởng đã cắt nghĩa thế này (những chỗ in đậm ở đây hoàn toàn theo ý người viết bài, với mục đích là để độc giả dễ theo dõi hơn thứ tự các hình ảnh của Bí Mật được Đức Hồng Y dẫn giải): “Vị thiên thần cầm thanh kiếm cháy lửa đứng bên trái Mẹ Thiên Chúa đã gợi lại cho thấy những hình ảnh giống như trong Sách Khải Huyền. Hình ảnh này biểu hiệu cho phán quyết đe dọa giáng xuống trên thế giới. Ngày nay vấn đề thế giới có thể trở thành tro bụi bởi một biển lửa dường như không còn chỉ là một tưởng tượng nữa, ở chỗ, chính con người từng cố ý đúc cho mình thanh kiếm cháy lửa này. “Thế rồi thị kiến cho thấy quyền năng chống lại lực lượng hủy hoại đó là ánh quang sáng ngời của Mẹ Thiên Chúa và những lời kêu gọi ăn năn đền tội phát xuất một cách nào đó từ sự kiện này. Như thế, tầm quan trọng của tự do con người đã được nhấn mạnh, ở chỗ, tương lai thực sự không phải là một ấn định bất biến, và hình ảnh các em trông thấy không phải hoàn toàn chỉ là việc coi trước một cuốn phim của tương lai, trong đó không gì có thể thay đổi được nữa. Thật vậy, tất cả vấn đề của thị kiến này là ở chỗ làm sáng tỏ vấn đề tự do và lái tự do theo chiều hướng tích cực... Thị kiến cố ý nhắm đến việc vận động những lực lượng đổi thay theo chiều hướng chính đáng. Bởi thế, chúng ta phải hoàn toàn giảm bớt đi những loại cắt nghĩa theo mệnh thuyết về ‘bí mật’ này, chẳng hạn như việc cho rằng cuộc ám sát phải xẩy ra ngày 13/5/1981 chỉ là phương tiện của dự án thần linh do Đấng Quan Phòng điều khiến... Thật ra thị kiến nói về những nguy hiểm và cách thức chúng ta phải làm thế nào để có thể được cứu khỏi những hiểm nguy ấy... 
“Địa điểm xẩy ra được diễn tả bằng ba biểu tượng, đó là một ngọn núi dốc đứng, một thành phố lớn bị tan hoang và sau cùng là một cây thập giá to bị nứt nẻ. Ngọn núi và thành phố biểu hiệu cho đấu trường của lịch sử nhân loại, một lịch sử như là một cuộc khổ công leo lên tới chóp đỉnh, một lịch sử như là một đấu trường giữa óc sáng tạo của con người với tình trạng an vui thái hòa của xã hội, đồng thời cũng là một nơi của hủy hoại, nơi con người thực sự hủy hoại đi những hoa trái của việc mình làm ra... Trên ngọn núi có cây thập giá, đích điểm và là hướng đạo cho lịch sử. Thập giá biến đổi tình trạng hủy hoại thành ơn cứu độ; cây thập giá chẳng những như là một dấu hiệu cùng khốn của lịch sử mà còn là một hứa hẹn cho lịch sử nữa. “Đến đây thì thấy có những con người xuất hiện, đó là vị Giám Mục mặc áo trắng (‘chúng con có cảm nhận đó là Đức Thánh Cha’), ngoài ra còn có các vị Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ, cùng với những người nam nữ thuộc các tầng lớp và vai trò khác nhau. Vị Giáo Hoàng dường như đi trước những người khác, run rẩy và khổ đau vì tất cả những rùng rợn xẩy ra chung quanh mình. Ngài chẳng những đi ngang qua một nửa số nhà cửa của thành phố bị sụp đổ mà còn tiến bước giữa những thi thể của kẻ chết nữa. Thế nên con đường của Giáo Hội mới được diễn tả như là một ‘Con Đường Thập Giá’, một cuộc hành trình trải qua thời gian bị tấn công, hủy diệt và bách hại. Lịch sử của cả một thế kỷ có thể được thấy tiêu biểu nơi hình ảnh này. Như các vị trí của trái đất đã được phác tả đúc kết lại nơi hình ảnh ngọn núi và thành phố hướng về cây thập giá thế nào, thì thời gian cũng được trình bày cho thấy bằng một đường lối thu gọn như vậy.
 “Trong thị kiến, chúng ta có thể nhận thấy thế kỷ vừa qua là một thế kỷ của các vị tử đạo, một thế kỷ Giáo Hội trải qua đau thương và bị bắt bớ, một thế kỷ của các Cuộc Thế Chiến cùng với những trận chiến địa phương kéo dài 50 năm qua, gieo rắc những hình thức dã man tàn nhẫn chưa từng thấy. Qua ‘tấm gương soi’ của thị kiến này, chúng ta thấy băng ngang qua trước mắt chúng ta những vị nhân chứng đức tin từ thập niên đến thập niên khác... “Trên Con Đường Thập Giá của cả một thế kỷ, nhân vật Giáo Hoàng đóng một vai trò đặc biệt. Trong việc khó nhọc tiến lên ngọn núi của Ngài, chúng ta rõ ràng thấy được qui điểm của các vị Giáo Hoàng khác nhau. Bắt đầu từ Đức Piô X cho tới vị Giáo Hoàng hiện tại, tất cả các Ngài đều chia sẻ các thương đau của thế kỷ và nỗ vượt qua tất cả mọi khổ ải trên con đường tiến tới cây Thập Giá. 
Trong thị kiến, Đức Giáo Hoàng cũng bị sát hại cùng với các vị tử đạo. Sau cuộc bị ám sát xẩy ra vào ngày 13/5/1981, nhận được bản văn của phần ‘bí mật’ thứ ba đem tới cho mình, Ngài không nhận ra số phận của mình trong đó hay sao? Ngài tí nữa đã bị chết, và chính Ngài đã cắt nghĩa việc sống còn của mình bằng những lời sau đây: ‘... chính bàn tay của người mẹ đã lái viên đạn và Vị Giáo Hoàng thống khổ đã khựng lại trước cửa miệng tử thần’ (13/5/1994). Ở đây ‘bàn tay của một người mẹ’ làm trệch đi viên đạn định mệnh một lần nữa đã cho thấy rằng định mệnh không phải là bất dịch, đức tin và lời cầu nguyện có mãnh lực chi phối lịch sử, và kết cuộc thì lời cầu nguyện còn mãnh liệt hơn cả đạn bắn và đức tin còn mãnh lực hơn cả các đạo binh nữa. “... Bên dưới hai cánh của cây thập giá có các vị thiên thần thu lại máu của những vị tử đạo và dùng máu ấy để hiến sự sống cho các linh hồn đang tìm đường đến với Thiên Chúa. Ở đây, máu của Chúa Kitô và máu của các vị tử đạo được coi như là một, ở chỗ, máu của các vị tử đạo chảy xuống từ hai cánh của cây thập giá. Các vị tử đạo chết trong mối hiệp thông với Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô bởi thế cái chết của các vị đã được nên một với cái chết của Người.
 “Thi kiến của phần ‘bí mật’ thứ ba, mở màn rất buồn nản, đã kết lại bằng một hình ảnh hy vọng, đó là không có một đau khổ nào lại luống công vô ích, và chính Giáo Hội thương đau, một Giáo Hội của các vị tử đạo, đã trở nên một bảng chỉ đường cho con người trên con đường họ tìm kiếm Thiên Chúa... Quyền năng thanh tẩy và canh tân được phát xuất từ nỗi khổ đau của các vị nhân chứng, vì khổ đau của họ là việc hiện thực hóa khổ đau của chính Chúa Kitô và là việc truyền đạt hiện đại công hiệu cứu độ của khổ đau Người. “Toàn thể ‘bí mật’ Fatima (cả ba phần) có ý nghĩa gì? Trước hết, chúng ta phải cùng với Đức Hồng Y Sodano xác nhận rằng: ‘... các biến cố được phần bí mật Fatima thứ ba nói đến giờ đây đã thuộc về quá khứ’. Ở chỗ những biến cố riêng rẽ được nói đến chúng đã thuộc về quá khứ. Những ai mong đợi đọc thấy những mạc khải thị kiến hào hứng về ngày tận thế hay về tương lai của giòng lịch sử đành phải ôm hận. Fatima không làm thỏa mãn óc tò mò của chúng ta là ở chỗ đó, như đức tin Kitô Giáo nói chung không thể nào bị giảm xuống thành một đối tượng cho óc tò mò thuần túy. Điều còn lại, khi chúng ta bắt đầu suy nghĩ về bản văn của ‘bí mật’, đã rõ ràng đó là việc huấn dụ nguyện cầu như con đường ‘cứu độ các linh hồn’, cùng với những lời kêu gọi ăn năn đền tội và cải thiện đời sống...”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét